Logistics tại Việt Nam sẽ được cải thiện
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, năm 2022, ngành logistics Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực về sự phát triển, tuy nhiên, khó khăn và những nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn. Theo đó, sự tắc nghẽn của vận tải đường bộ, thiếu hụt container, thiếu chỗ và giá cả “leo thang” của vận tải đường biển cũng như sự tăng trưởng bùng nổ của vận tải hàng không sẽ dần được giải quyết, các phương thức vận tải sẽ quay về đúng giá trị khi dịch bệnh COVID-19 dần được khống chế trong năm 2022.
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tạo xung lực cho ngành dịch vụ logistics phát triển dựa trên 2 yếu tố quan trọng: Một là kinh tế thế giới và Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tăng trưởng. Hai là, Nghị quyết 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đang là động lực cho kinh tế khôi phục và phát triển bền vững.
Để tận dụng cơ hội để phát triển, các doanh nghiệp logistics cần chủ động gắn kết, phối hợp hiệu quả với nhau, tìm ra những lời giải ở góc độ chính sách và thực tiễn để tối ưu hóa mọi giải pháp trong phạm vi có thể. Các doanh nghiệp cần năng động trong việc lựa chọn hướng đi và phương án đối phó phù hợp; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường liên kết, hợp tác với nhau; tính toán hợp tác với các công ty lớn để có thể thích ứng linh hoạt, tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển.